Chiết khấu sách giáo khoa lên đến 30% có bất thường?
Bán cả sàn chung cư chỉ được chiết khấu 3-4%, bất động sản nghỉ dưỡng là sản phẩm khó bán được chiết khấu cao nhất hơn 10%... lãnh đạo công ty bất động sản rất bất ngờ về thông tin sách giáo khoa chiết khấu tới gần 30%.
Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.
Năm học 2022-2023, chiết khấu với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Đó là thông tin gây chú ý trong kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Con số chiếu khấu sách giáo khoa này khiến một số lãnh đạo công ty bất động sản cũng phải giật mình khi đơn vị của họ phân phối cả sàn căn hộ chung cư cũng chỉ được hưởng chiết khấu 2-3%.
Theo lãnh đạo công ty bất động sản, bán cả sàn chung cư chỉ được chiết khấu 3-4% trong khi chiết khấu sách giáo khoa đến 30% là con số quá lớn. (Ảnh: Hoàng Hà)
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Khang Land, đơn vị chuyên phân phối các dự án bất động sản cho biết: Thông thường, chủ đầu tư chỉ chiết khấu 2-3% trên tổng giá bán cho những dự án ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Còn với dự án ở xa, rất khó bán thì được chiết khấu cao hơn nữa, thêm 1%.
“Bán cả sàn chung cư cũng chỉ được chiết khấu 3-4%, hay đất nền nếu bán được số lượng nhiều thì mức chiết khấu 4%, còn bán ít chỉ được 3%”, ông Cao cho hay.
So với mức chiết khấu bán bất động sản, ông Cao đánh giá, mức chiết khấu sách giáo khoa tới 30% là quá lớn.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này đề xuất, Chính phủ nên làm sách điện tử, vừa dễ kiểm soát, đỡ tình trạng in lậu, in giả.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho hay, với bất động sản, nếu ký hợp đồng phân phối, cam kết bán sản phẩm theo tiến độ và đặt cọc một khoản tiền tương đương 5 hay 10% giá trị hợp đồng sẽ được chiết khấu mức cao hơn chỉ bán hàng thông thường.
Theo đó, ở miền Bắc, trung bình chiết khấu 5-8%, còn ở miền Nam cao hơn là 10%.
Còn nếu phân phối bình thường, hiện được chiết khấu từ 4 – 6%, trước đây chỉ 3%. Càng bán nhanh mức chiết khấu càng cao. Tuy nhiên, lại mất nhiều chi phí quảng cáo, hoa hồng, tặng quà cho khách hàng…
“Bán chung cư cao cấp mức chiết khấu cao nhất hiện ở mức 5 - 6%; còn bất động sản nghỉ dưỡng khó bán nhất, chi phí bán hàng nhiều thì được chiết khấu khoảng 10% hoặc có dự án 12% là cùng”, ông Toản thông tin.
Vị lãnh đạo này đặt câu hỏi, với sách giáo khoa, đây là sản phẩm đặc thù, khách hàng phải tự tìm mua, bắt buộc phải mua, công ty sản xuất không tốn nhiều chi phí tiếp thị, cạnh tranh, tại sao chiết khấu lại cao đến như vậy?
Chuyên gia: Chiết khấu sao cao thế?
Từ góc độ chuyên gia, chia sẻ với PV VietNamNet, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích, nếu sách mang lên đầu kệ mới có các chi phí vận chuyển, phân phát về các nhà sách địa phương và đặt lên kệ, mất thêm chi phí cho nơi bán… thì chấp nhận. Còn sách giáo khoa, số sách lên kệ rất ít. Vậy, tại sao phải chiết khấu cho hệ thống phân phối, phát hành nhiều thế?.
“Hiện nay, từ tiểu học đến trung học phổ thông đều đang thực hiện đăng ký sách cho học sinh vào cuối năm, loại gì, bao nhiêu cuốn. Theo đó, nhà trường tập hợp đăng ký lên sở, sở đăng ký thẳng vào nhà xuất bản, chứ chi phí gì mà lắm thế.
Chiết khấu 30% đó để làm gì, thật sự phải xem xét”, ông Thịnh thẳng thắn.
Còn chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú đánh giá, chuyện chiết khấu SGK cũng có thể liên hệ đến chiết khấu khi hàng hóa muốn vào các siêu thị bán lẻ hiện đại.
Ông cho hay: "Một nhân viên siêu thị nói với tôi rằng có mặt hàng để vào được thì mức chiết khấu cho siêu thị lên đến 40%, họ nói đó là dựa trên sự thỏa thuận. Trong khi đó, lợi nhuận của người sản xuất lúa, khoai, con cá, không được như thế. Bán lẻ đang có sự cửa quyền như thế ở một số siêu thị. Còn câu chuyện SGK, theo tôi, nếu chiết khấu vượt 20% là rất cao".
“Chiết khấu này không phải là lấy tiền túi của ai bỏ ra bù vào mà nó đẩy giá SGK lên, hàng triệu học sinh phải chịu đựng”, ông Vũ Vinh Phú nói và cho rằng mức chiết khấu cần giảm mạnh đi mới hợp lý.
Vậy, phương án nào để giảm mức chiết khấu sách giáo khoa?
Theo ông Thịnh, sách giáo khoa liên quan đến cả hệ thống với khối lượng rất lớn hàng năm phát sinh đều đặn, có kế hoạch. Do đó, hoàn toàn có thể tập hợp từ các sở ngành, giảm thiểu tối đa các chi phí.
Khi đó, chỉ còn chi phí vận chuyển về các sở ở địa phương, các sở tự phân phối về các trường. Quản lý theo hệ thống giáo dục như vậy sẽ tiết kiệm được tối đa các chi phí, từ đó giá sách giáo khoa giảm đi.
Theo báo cáo số 752/BC-TTCP ngày 16/3/2023 của Tổng Thanh tra Chính phủ, trong thời kỳ thanh tra từ 2014-2017, tổng mức chiết khấu là 25% giá bìa. Trong đó: 4 công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) là đại lý cấp 1 của nhà xuất bản được hưởng 5%; các công ty sách và thiết bị trường học địa phương trong khu vực (là đại lý cấp 2) được hưởng từ 7-8%; các cửa hàng sách, các trường học (là đại lý cấp 3) được hưởng từ 12-13%. Tổng chiết khấu 25% được trừ thẳng trên hóa đơn bán hàng của các đại lý cấp 1.
Sách giáo khoa tăng giá mạnh, tiền chiết khấu tới 30% ai hưởng?Mức chiết khấu là một cấu phần quan trọng của giá sách giáo khoa, trong khi trước thềm năm học mới giá sách là vấn đề được người dân quan tâm. Vậy chiết khấu sách giáo khoa dùng để làm gì?
Bình luận
Tags:chiết khấu
bất động sản
chiết khấu sách giáo khoa
chiết khấu bất động sản
Tin cùng chuyên mục