Cứu sống bệnh nhân bị rách khí quản, suy hô hấp nguy kịch
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa cấp cứu và điều trị thành công cho một bệnh nhân bị vết thương dập nát vùng cổ, rách khí quản suy hô hấp nguy kịch.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả - Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân H.A.Đ 29 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc nặng, lơ mơ, suy hô hấp, da xanh tái, có vết thương dập nát phức tạp diện rộng vùng cổ trước kích thước 20x10cm, tổn thương rộng lộ các cơ quan vùng cổ như tuyến giáp, khí quản, tuyến dưới hàm kèm 01 vết thương đùi trái.
Nhận định đây là trường hợp tối cấp cứu, vết thương cổ gây tổn thương đường thở, nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhân, kíp trực đã nhanh chóng triển khai cấp cứu, đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, tiến hành hội chẩn cùng các bác sĩ chuyên khoa ngoại, gây mê, hồi sức tích cực.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu cấp cứu và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ. Kíp mổ do ThS. BS Vũ Quang Trung – Giám đốc Bệnh viện cùng BSCKI Trần Quang Vinh, BS Trần Thanh Long – Khoa Ngoại; BSCKI Vũ Văn Hùng và các KTV Khoa Gây mê – Hồi sức thực hiện.
Tại phòng mổ, các bác sĩ đã kiểm tra vết thương cổ trước gây tổn thương gây dập nát phần mềm rộng toàn bộ cơ, phần mềm vùng cổ trước. Đặc biệt, sụn giáp bị cắt đứt, khí quản bị rách trên đoạn 01cm gây chảy máu vào đường thở và suy hô hấp.
Kíp phẫu thuật tiến hành khâu lại khí quản, cắt lọc tổ chức dập nát, đặt dẫn lưu và khâu phục hồi vết thương. Sau mổ, bệnh nhân tình trạng ổn định, chuyển về khoa Hồi sức tích cực – chống độc – thận nhân tạo để tiếp tục điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đã được rút máy thở, ăn uống và có thể đi lại nhẹ nhàng.
BSCKI Trần Quang Vinh cho biết, vùng cổ là nơi chứa đựng các bộ phận quan trọng như đường thở và các mạch máu lớn. Khi bệnh nhân tổn thương vùng cổ, đặc biệt là chấn thương khí quản hay khi đứt các mạch máu lớn, nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể gây tử vong nhanh chóng.
Do đó, người dân cần nắm vững các kĩ thuật sơ cấp cứu cầm máu, đảm bảo hô hấp và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Qua đó, khả năng bệnh nhân được cứu sống và hạn chế di chứng sẽ cao hơn.
Nam Anh
Tags:Cứu sống bệnh nhân bị rách khí quản
cứu sống bệnh nhân bị rách khí quản
rách khí quản
Tin cùng chuyên mục