Đau quặn bụng sau khi uống 6 loại thuốc mỗi ngày
Việc lạm dụng thuốc giảm đau, uống thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ có thể dẫn đến viêm loét dạ dày.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng, Trưởng đơn vị tiêu hóa, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cho biết, người mắc các bệnh lý dạ dày phổ biến nhất ở nhóm từ 20 đến 40 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu vì lối sống công nghiệp, áp lực công việc, tình trạng nhiễm vi khuẩn HP… khiến người ở tuổi thanh niên, trung niên dễ bị viêm dạ dày cũng như các bệnh đường tiêu hóa khác.
Kế tiếp là nhóm bệnh nhân lớn tuổi, thường bị đau và viêm dạ dày do sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý khác.
Mới đây, một phụ nữ 65 tuổi ngụ tại TP Thủ Đức đã đến tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám vì đau vùng thượng vị kéo dài, đau nhiều hơn khi ăn uống.
Người bệnh cho biết, bà bị bệnh cao huyết áp, thoái hóa cột sống thắt lưng, rối loạn mỡ máu, tim thiếu máu cục bộ... Trong đó, bệnh thoái hóa cột sống kéo dài khoảng 1 năm, các bệnh mạn tính còn lại đã hơn 10 năm.
“Mỗi ngày, bệnh nhân phải uống đến 6 loại thuốc khác nhau. Khi soi dạ dày, chúng tôi nhận thấy bà bị viêm xung huyết toàn bộ niêm mạc dạ dày, loét trợt hang vị, xét nghiệm HP âm tính. Chẩn đoán viêm loét dạ dày, nghĩ nhiều do thuốc”, bác sĩ Tráng nói.
Đây cũng là bệnh cảnh thường gặp ở các bệnh nhân trên 40 tuổi khi thăm khám vì đau dạ dày. Theo bác sĩ Tráng, người bệnh càng lớn tuổi, càng dễ mắc các như tim mạch, tiểu đường, viêm khớp, thoái hóa cột sống… Kèm theo đó, dạ dày cũng yếu dần.
Việc sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc tim mạch, đặc biệt là thuốc xương khớp về lâu dài sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn nếu người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau hay tự ý mua thuốc, không theo đơn của bác sĩ.
Với bệnh nhân 65 tuổi trên, bác sĩ đã xem xét các loại thuốc bà đang sử dụng, hướng dẫn giảm thuốc xương khớp trong một thời gian. Đồng thời, điều trị làm lành niêm mạc dạ dày. Khoảng 1 tháng sau, các triệu chứng viêm, đau dạ dày đã giảm hẳn.
Bác sĩ Tráng lưu ý, khi uống bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần có chỉ định và tư vấn của bác sĩ; người có tiền sử đau dạ dày, người có bệnh nền đang dùng thuốc cũng cần báo với bác sĩ. Qua đó, việc điều trị và kê đơn được cân nhắc, đánh giá phù hợp với từng người bệnh.
Ngoài ra, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng hay thuốc dân gian được quảng cáo có thể chữa bệnh dạ dày, tránh tình huống gây hại cho gan, thận.
Tư thế ngủ giúp tránh trào ngược dạ dàyChuyên gia khuyên mọi người nên ngủ nghiêng bên trái để giảm các triệu chứng và nguy cơ trào ngược dạ dày. Tết quý mão
Tags:viêm loét dạ dày
đau dạ dày
bệnh dạ dày
đau thượng vị
nội soi dạ dày
thuốc kháng viêm giảm đau
tác dụng phụ của thuốc
bệnh viện Lê Văn Thịnh
bệnh viện TP.HCM
sức khỏe
nội soi dạ dày
bệnh ba
Tin cùng chuyên mục