Giáo viên ở Mỹ ứng xử ra sao với ChatGPT?
Là người thích công nghệ và quá tò mò trước những thông tin về ChatGPT, tôi đã trực tiếp khám phá nó. Tôi đưa ra hai câu lệnh như sau:
Viết nhận xét về một học sinh rất thông minh nhưng hay nói chuyện và gây mất trật tự.
Lên kế hoạch bài giảng cho học sinh lớp 3 để học về phân số và thể hiện phân số trên đường số (fractions on a number line).
Chỉ trong 15 giây cho câu số 1 và 45 giây cho câu số 2, ứng dụng ChatGPT đã cho ra kết quả đầy đủ, tuyệt vời với ngôn từ chính xác, chuẩn mực, đầy đủ các yếu tố của một bài giảng hoàn thiện, và không thiếu thông tin gì.
Theo ý kiến cá nhân của tôi, ChatGPT thực sự là công cụ hữu ích, giúp đỡ cho các thầy cô rất nhiều để giảm tải nhiều nhiệm vụ. Tất nhiên, khi viết kế hoạch bài giảng mỗi trường, mỗi học khu có những mẫu khác nhau. Nhưng chắc chắn gợi ý của ChatGPT sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích.
Giáo viên sử dụng ChatGPT để làm gì?
Tôi không hề đơn độc. Lắng nghe và tìm hiểu từ nhiều diễn đàn, hội nhóm giáo viên khác nhau, các thầy cô đa số cảm thấy vui mừng với sự ra đời của ChatGPT. Giáo viên ở Mỹ đã sử dụng công cụ này để soạn bài giảng, xây dựng tiêu chí đánh giá, cung cấp nhận xét/phản hồi cho bài tập của học sinh, trả lời email của phụ huynh, viết thư giới thiệu…
Những công việc này, bao gồm cả liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy lẫn những nhiệm vụ mang tính văn phòng, sổ sách, hành chính thông thường, phải tốn hàng giờ, thậm chí hàng chục giờ cho giáo viên.
Các giáo viên tại trường Đại học Florida, Hoa Kì đang thảo luận về ChatGPT. Ảnh: The New York Times
Theo một nghiên cứu năm 2022 của Trung Tâm Nghiên cứu EdWeek, trung bình một giáo viên Mỹ làm việc 54 tiếng 1 tuần nhưng chưa tới nửa số giờ là dành trực tiếp cho việc giảng dạy học sinh. Một phần ba số giáo viên tham gia nghiên cứu nói lên mong muốn rằng giá như họ có thể giảm số thời gian dành cho những công việc hành chính thủ tục giấy tờ.
Phục vụ việc giảng dạy
Với việc soạn bài giảng, tạo ra các hoạt động làm cho môn học trở nên hứng thú hơn, thầy giáo dạy ngữ văn Braxton Thornley ở trường THPT Bingham thuộc tiểu bang Utah đã cho ví dụ: thầy sử dụng ChatGPT tạo ra 10 phiên bản với 10 giọng điệu khác nhau cho bài viết tranh biện về giờ đi học để học sinh tập phân tích từng giọng điệu. Có những thầy cô dùng ChatGPT để tạo nhiều phiên bản khác nhau cho cùng một bài dạy để có thể chỉ dẫn tốt hơn đối với từng đối tượng học sinh.
Theo khoa Giáo dục của trường đại học Stanford, ChatGPT cũng có thể giúp thầy cô đánh giá được trình độ tiếng Anh và từ vựng chuyên ngành của người học, giúp truyền tải đến học sinh những thông tin mang tính lặp đi lặp lại như câu hỏi về chương trình học, nội dung bài học…
Hỗ trợ những nhiệm vụ không liên quan trực tiếp đến giảng dạy
Thầy cô thường xuyên phải kiểm tra và phản hồi email. Như bản thân tôi, trung bình một ngày làm việc nhận được không dưới 20 email, cả từ đồng nghiệp lẫn phụ huynh. ChatGPT không phải là người hiểu rõ về đối tượng giao tiếp của tôi hay thầy cô khác. Nhưng chắc chắn sẽ tạo ra được những mẫu/khung email cốt lõi để từ đó chúng tôi thêm thắt câu từ, cá nhân hóa mỗi email.
Một giáo viên dạy THPT ở Mỹ một năm trung bình phải viết ít nhất 2-8 thư giới thiệu cho học sinh để nộp hồ sơ vào đại học. Mỗi thư thầy cô phải dành thời gian ít nhất 2 tiếng để viết thật chu đáo. Thầy cô dạy càng nhiều lớp càng phải viết nhiều. Và nhiều khi phải viết nhiều thư giới thiệu cho một học sinh nếu học sinh đó nộp hồ sơ vào nhiều trường đại học khác nhau cùng lúc. Nếu là thầy cô dạy môn chính như toán, ngữ văn thì phải viết nhiều thư giới thiệu hơn nữa.
Theo chị Tracy Greenfield, giáo viên dạy toán bậc THPT tại tiểu bang Georgia, mỗi năm một lứa học sinh, chị phải viết khoảng 30-40 thư giới thiệu nộp hồ sơ vào đại học hay xin học bổng. Vì thư của giáo viên dạy toán và ELA thường là bắt buộc, nên hầu như học sinh nào cũng cần.
Giờ đây, với ChatGPT, số giờ đồng hồ được dùng để làm những công việc trên, nhất là những công việc không liên quan trực tiếp đến giảng dạy và chủ yếu là hành chính, giấy tờ, sẽ dành để giáo viên sử dụng tương tác trực tiếp, trò chuyện với học sinh nhiều hơn, hoặc dành thời gian chăm sóc cho bản thân và gia đình nhiều hơn.
Thầy giáo dạy ngữ văn Braxton Thornley ở trường THPT Bingham thuộc tiểu bang Utah cho hay “với khối lượng công việc đồ sộ đối với giáo viên như hiện nay, nếu công nghệ có thể giúp chúng tôi có thêm 3-4 giờ đồng hồ dành cho gia đình thì đó là điều chúng tôi luôn hy vọng và mong muốn!”.
Ứng xử của ngành giáo dục Mỹ
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của giáo viên bậc THCS trở lên, đặc biệt của người làm giáo dục đại học và sau đại học, mặt tiêu cực của ChatGPT có lẽ lấn át mặt tích cực.
Các trường học trên khắp nước Mỹ đang tìm kiếm những giải pháp khác nhau để đảm bảo liêm chính học thuật giữa làn sóng AI và ChatGPT
Hiện nay rất nhiều trường đại học ở Mỹ đang tìm mọi cách để hạn chế việc học sinh, sinh viên sử dụng công cụ này làm thay mình, lừa dối học thuật. Thậm chí có những trường tính đến giải pháp cấm mang mọi thiết bị điện tử vào phòng thi.
Trường đại học New York (NYU) cấm sử dụng ChatGPT cũng như những công cụ AI khác. Nếu sinh viên sử dụng, hậu quả là họ phải làm lại bài, sẽ bị trừ điểm và bị báo cáo lên trưởng khoa. Các giáo sư tại NYU cũng khuyến cáo nếu sinh viên sử dụng ChatGPT để làm hộ bài thi toán thì rất dễ bị điểm F (trượt).
Các trường học khác trên khắp nước Mỹ cũng đang tìm kiếm những giải pháp khác nhau để đảm bảo liêm chính học thuật giữa làn sóng AI và ChatGPT: yêu cầu viết tay bài tập/bài thi thay vì đánh máy, giảm thời gian tối đa dành cho các bài viết để học sinh sinh viên không kịp tra cứu khi làm bài…
Công nghệ nào cũng nhằm phục vụ con người. Tôi tin chắc, cũng chính con người sẽ có những điều chỉnh, phát minh để ngày càng hoàn thiện hơn các loại công nghệ cao.
Sau ChatGPT cũng ngay lập tức có app GPTZero do một sinh viên trường Princeton tạo ra nhằm phát hiện xem phần viết đó có phải thực sự do người viết hay máy viết.
Ngay cả bản thân Sam Altman, người đồng sáng lập OpenAI với tỉ phú Elon Musk vào năm 2015, đã nói rằng ông làm với mục tiêu đảm bảo AI không chi phối toàn bộ đời sống con người.
Con người vẫn chính là người làm chủ công nghệ. Và công nghệ nào cũng cần được sử dụng một cách đúng đắn, trong khuôn khổ và không phi nhân tính.
Tags:ChatGPT
ChatOpenAI
Tin cùng chuyên mục