Hai người từ châu Phi về TP HCM bị sốt rét
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng Khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ngày 3/6, cho biết bệnh nhân nữ 24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, là du học sinh trở về từ Cameroon (Trung Phi). Sau một ngày nhập cảnh, cô bắt đầu sốt, đi khám ở một số bệnh viện, uống thuốc không khỏi.
Đến ngày thứ 6, bệnh nhân được xét nghiệm máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét và chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị. Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện khá nặng, hôn mê, vàng da, mật độ ký sinh trùng sốt rét cao, thiếu máu và nước tiểu có màu nâu đỏ như nước xá xị.
Hình ảnh ký sinh trùng sốt rét mật độ cao trong máu nữ bệnh nhân, với các chấm màu hồng tím là ký sinh trùng.
Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Trường hợp còn lại là nam bệnh nhân 63 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh từ Bờ Biển Ngà (Tây Phi). Bệnh nhân sốt trên đường di chuyển về, khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất được công ty đưa vào một bệnh viện, xét nghiệm ghi nhận sốt rét. Đây là trường hợp sốt rét ác tính với mật độ ký sinh trùng cao, suy thận, tổn thương gan, nhiễm toan acid lactic. "Cả hai bệnh nhân được điều trị tại khoa chăm sóc tích cực với thuốc đặc trị sốt rét và phối hợp nhiều phương tiện điều trị hỗ trợ", bác sĩ nói.
Sốt rét ác tính là bệnh cảnh nặng có suy nội tạng, nếu không điều trị kịp thời sẽ đưa đến tử vong. Bệnh nhân vào viện sớm, xử trí kịp thời, tỷ lệ cứu sống, hồi phục cao. Hiện, sốt rét vẫn là bệnh nằm trong chương trình phòng chống quốc gia, thuốc điều trị được cấp miễn phí. Việt Nam đang hướng đến thanh toán hoàn toàn bệnh vào năm 2030. Những năm gần đây, số ca bệnh ngày càng giảm. Khu vực phía Nam chủ yếu ghi nhận các ca bệnh tại Bình Phước. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM thỉnh thoảng tiếp nhận các ca bệnh từ nước ngoài về, chủ yếu từ châu Phi.
Theo bác sĩ Nghĩa, bệnh sốt rét ngày càng ít gặp nên bệnh nhân thường được phát hiện trễ. Bệnh thường chẩn đoán nhầm với bệnh sốt xuất huyết Dengue đang lưu hành ở Việt Nam. Khi khám một bệnh nhân bị sốt cần khai thác kỹ về dịch tễ. Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện ở đô thị, nơi tập trung đông dân. Ngược lại, bệnh sốt rét chủ yếu xảy ra ở vùng lưu hành bệnh, đặc biệt các quốc gia châu Phi. Tại Việt Nam, cần nghĩ đến sốt rét nếu bệnh nhân sống hoặc có lui tới vùng rừng núi, vùng ngập mặn ven biển...
Bác sĩ khuyến cáo người đi làm, trở về từ vùng lưu hành sốt rét như Bình Phước, các tỉnh vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia, châu Phi, người trước đó có truyền máu, hoặc có mắc sốt rét gần đây, nếu sốt thì nên đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm chẩn đoán sốt rét. Hiện nay, bệnh sốt rét có thể chẩn đoán dễ dàng bằng xét nghiệm phết máu máu và test nhanh.
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do muỗi anophen lây truyền. Cần ngăn ngừa muỗi chích để phòng bệnh, thường xuyên ngủ mùng và mùng cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ. Khi đi đến các vùng có dịch sốt rét lưu hành trở về nếu có sốt phải đi khám bệnh tại cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine đầu tiên ngăn ngừa bệnh sốt rét tại các quốc gia có mức độ lưu hành bệnh trung bình và cao.
Lê Phương
Tags:sốt rét
sốt cao
rét run
sốt rét nhập khẩu
Tin nóng
Khám chữa bệnh
Tin
Tin cùng chuyên mục