29/10/2022 06:58

Hình thành bản đồ số các di sản Việt Nam phục vụ du khách trong và ngoài nước

Những kết quả bước đầu

Thời gian qua, chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đặc biệt là thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà khi giãn cách vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột.

Hay khi thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” để chống dịch, người dân vẫn có thể thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, dễ hiểu…

Hình thành bản đồ số các di sản Việt Nam phục vụ du khách trong và ngoài nước

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Trong phát biểu tại hội nghị chuyển đổi số ngành VHTTDL ngày 26/10, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTTDL nhấn mạnh, chuyển đổi số là một chủ trương cũng như yêu cầu cấp thiết.

Không đứng ngoài xu thế đó, ngành VHTTDL đã triển khai các hoạt động chuyển đổi số và đạt được những kết quả bước đầu, đó là nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã chuyển biến tích cực. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ số của Bộ.

Cùng với đó, hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch.

Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng với dịch vụ công ích. Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng luôn được chú trọng. Nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, kinh phí tăng hàng năm.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, kết quả ngành VHTTDL đạt được còn chưa đồng đều, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đến năm 2025.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn như: thiếu đội ngũ nhân lực thành thạo công nghệ; một bộ phận nhân sự ngại chuyển đổi số vì lo bị mất việc; chưa có quy định cụ thể về đầu tư công trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động bảo tàng; khó khăn trong xác định các tiêu chí thực hiện, các di tích cần ưu tiên chuyển đổi số…

3 nền tảng số quan trọng của ngành VHTTDL

Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, VHTTDL sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với các ngành khác tại Việt Nam về quy mô thị trường vì ngành không chỉ phục vụ 100 triệu người dân Việt Nam mà còn có cơ hội phục vụ hơn 8 tỷ khách hàng tiềm năng trên thế giới.

“Bộ TT&TT quan niệm rằng chuyển đổi số ngành VHTTDL là hết sức cần thiết để Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội đó, đặc biệt là thông qua công nghệ số, chuyển đổi số cung cấp những dịch vụ và trải nghiệm du lịch ngày một tốt hơn, cá thể hóa cho từng du khách trong nước và nước ngoài”, Thứ trưởng nói.

Hình thành bản đồ số các di sản Việt Nam phục vụ du khách trong và ngoài nước

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị, Bộ VHTTDL tập trung ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung trong toàn ngành, toàn quốc. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Chỉ rõ Việt Nam xác định nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT đã ban hành chương trình thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số quốc gia, đồng thời xác định năm 2022 là năm đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên trên môi trường số bằng các nền tảng số xuất sắc của Việt Nam.

Vì thế, đề nghị Bộ VHTTDL tập trung ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung trong toàn ngành, toàn quốc, trong đó có 3 nền tảng quan trọng là nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng dữ liệu số du lịch và nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch sẽ cung cấp một hạ tầng mới cho hàng triệu doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú và cơ sở du lịch trên toàn quốc.

Khác với giai đoạn ứng dụng CNTT, nền tảng số sẽ cung cấp đầy đủ các tính năng quản trị cơ bản, kết nối các bên liên quan trong cả hệ sinh thái cung cấp dịch vụ và mang đến cho du khách trải nghiệm du lịch số toàn trình từ đầu đến cuối. Nền tảng số cũng làm thay đổi mô hình đầu tư, quản trị, vận hành hạ tầng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là bảo đảm an toàn thông tin.

“Nền tảng số được cung cấp như là một dịch vụ giống như điện, nước, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, tối ưu hóa đầu tư, đặc biệt là với các cơ sở lữ hành, cơ sở du lịch nhỏ và vừa trong lĩnh vực này. Với việc sử dụng nền tảng số, các doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực để phát triển các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, thay vì phải dành nguồn lực cho công nghệ", Thứ trưởng phân tích.

Hình thành bản đồ số các di sản Việt Nam phục vụ du khách trong và ngoài nước

Chuyển đổi số ngành VHTTDL là thúc đẩy số hóa các di sản văn hóa. (Ảnh minh họa: bvhttdl.gov.vn)

Khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, nền tảng dữ liệu số cho ngành du lịch được kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin, dữ liệu tài nguyên du lịch đã được số hóa, dữ liệu số về các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ và thị trường du lịch Việt Nam.

Cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong xây dựng dữ liệu mở và mở dữ liệu để các doanh nghiệp du lịch có thể tối ưu hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và đưa ra các gói ưu đãi cho khách du lịch. Vai trò của du khách trong việc bổ sung, cập nhật thông tin dữ liệu thông qua việc tương tác một cách tự nhiên với các ứng dụng du lịch số cần được đặc biệt lưu ý.

Về nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, Thứ trưởng cho rằng, chuyển đổi số ngành VHTTDL còn là thúc đẩy số hóa các di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số để người dân, du khách có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số.

“Công nghệ thực tế ảo cũng cho phép tổ chức các tour du lịch trải nghiệm trực tuyến từ xa để mọi người trên thế giới chưa có điều kiện đến Việt Nam vẫn có thể tiếp cận, trải nghiệm các giá trị văn hóa Việt Nam không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Đây cũng là thực hiện sứ mệnh của ngành: bảo tồn di sản và đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tags:

hình thành

bản đồ số

di sản Việt Nam

du lịch

văn hóa

di sản văn hóa

Văn hóa thể thao và du lịch

VHTTDL

chuyển đổi số

kinh tế số

xã hội số

Tin cùng chuyên mục