Mẹ tôi muốn ly hôn bố chỉ vì mớ rau cần
Bao lần bố mẹ cãi nhau nhưng chưa từng nhắc đến chuyện ly hôn. Vậy mà sau hơn 20 năm chung sống, mẹ không còn chịu đựng nổi bố nữa.
Cuộc xét nghiệm ADN thai nhi giữa đêm và sự bao dung của người vợ
Bố tôi từng là mối tình đầu của mẹ. Họ học 2 trường đại học gần nhau, quen và yêu nhau sau những lần giao lưu văn nghệ. Tình yêu thời sinh viên của họ rất đẹp, nhưng rồi cả hai chia tay khi bố tôi được suất học bổng đi nước ngoài.
Mẹ tôi không thích hứa hẹn gì cả nên chủ động viết thư chia tay bố trước khi ông lên đường. Bố cũng không níu kéo, ông viết thư đáp lại rằng mong mẹ sống hạnh phúc. 5 năm sau về nước, bố ngạc nhiên khi thấy mẹ vẫn độc thân. Bà đã hẹn hò thêm 1-2 người nữa nhưng tất cả đều không hợp. Thế là bố quyết tâm “cua” lại mẹ lần nữa. Kết quả họ có một đám cưới trong mơ, rồi ít lâu sau tôi chào đời.
Hơn 20 năm tôi thấy bố mẹ sống với nhau theo kiểu “không nóng không lạnh”. Nghĩa là họ không tình cảm ngọt ngào như ngôn tình, nhưng cũng không mâu thuẫn thái quá. Điểm chung duy nhất của bố mẹ tôi là họ đều ít nói, ít bày tỏ, không giỏi chia sẻ như những cặp vợ chồng khác.
Cứ khi nào cãi nhau giận nhau là bố mẹ lấy tôi làm “liên lạc viên” trung gian. Kiểu như “Nga gọi bố vào ăn cơm”, “Nga hỏi mẹ đám cưới chú A. hôm nào”, “Nga nhắc mẹ đóng tiền điện”, “Nga bảo bố nay nhà có khách nên về sớm đấy”... Hồi bé tôi truyền đạt hộ không thiếu chữ nào, nhưng giờ lớn lên thì tôi không làm vậy nữa. Tôi thấy bố mẹ giận dỗi nhau kiểu đó thật vô nghĩa. Thà họ cứ cãi nhau tưng bừng một trận xả hết ra rồi làm hòa còn hơn. Chứ tôi bận đi làm vẫn phải nhắn tin qua lại đôi bên, khuyên mỗi người nhường nhau một tí cũng rất mệt.
Bố mẹ tôi đều làm giảng viên. Trong khi mẹ tôi luôn gọn gàng chỉn chu thì bố tôi chỉ lịch sự khi đi làm, còn về nhà thì ông khác hẳn. Mẹ tôi rất ghét tật cãi ngang của bố, kèm theo đó là “dọn nhà không có tâm”. Tức là bố tôi vẫn phụ mẹ làm việc nhà, nhưng ông đụng cái gì là hỏng cái đó, hoặc là bày bừa thêm khiến mẹ tôi phải còng lưng ra dọn lại.
Mẹ dặn bố nấu cơm trước lau nhà sau, chẳng biết bố nghe sao mà làm ngược lại. Tới lúc mẹ về thì bếp ướt nhẹp, bố còn dẫm dép ướt từ bếp ra phòng khách bẩn lem nhem. Mẹ nhắc bố rửa bát đĩa, ông rửa đủ không thiếu cái nào nhưng chỉ ngoáy giẻ quét sạch ở mặt trong, còn mặt ngoài thì dầu mỡ nguyên xi xếp chồng lên nhau. Về mẹ phát hiện ra thế là mẹ mắng bố cả tối, chỉ khổ thân tôi phải đi rửa lại hết.
Đợt tôi đi du lịch xa, mẹ đi công tác dặn bố ở nhà rút quần áo. Bố tôi chả bận gì nhưng quên lời vợ dặn, để đống quần áo phơi nắng dầm mưa suốt gần tuần. Mẹ về thấy đồ bẩn chất thành núi, đồ trên sân thượng thì bạc phếch cả màu, còn dính lá cây với bụi sau mưa. Thế là bà nổi trận lôi đình, đuổi bố ra sofa ngủ gần nửa tháng.
Lần khác mẹ tôi mua cho bố cái bàn chải đánh răng điện. Ông có dùng nhưng không bao giờ chịu bấm nút cho bàn chải rung. Mẹ tôi phát hiện ra nên hỏi tại sao ông lại dùng như thế. Bố tôi thản nhiên đáp: "Mua là việc của bà, chải như nào là việc của tôi". Có vậy thôi mà hai người cãi cọ hết cả buổi sáng, tôi ngủ nướng cuối tuần cũng chẳng được yên.
Rồi chuyện gì tới cũng tới. Mẹ kêu bố thay đầu bàn chải mới vì cái cũ dùng lâu bị tòe. Chả biết ông loay hoay kiểu gì mà tôi nghe cộp một phát, xong cái bàn chải điện gãy làm đôi! Mẹ tôi chán không buồn quát chồng nữa. Bà ném thẳng bàn chải vào sọt rác, sau đó bắt bố tôi súc miệng nước muối cả tuần.
Mọi người sẽ thắc mắc tại sao tôi không làm gì mà bố phải làm đúng không. Dĩ nhiên là tôi có làm chứ, nhà tôi bình đẳng như nhau không ai có “đặc quyền” lười biếng cả. Bố con tôi làm theo danh sách phân công của mẹ. Ai bận gì thì người còn lại sẽ làm thay, kết quả không tốt thì sẽ bị mẹ mắng. Tôi là con gái, lại được mẹ dạy dỗ cẩn thận từ nhỏ nên ít khi sai sót. Chỉ có bố tôi lơ đễnh hay “treo ngược cành cây”, lại vụng về nên mới khiến mẹ cáu.
Bố tôi biết nhược điểm bản thân nhưng không chịu sửa chữa. Nhiều lần tôi khuyên mẹ nên bớt nóng nảy một chút, bố thì bớt ẩu một chút nhưng chẳng ai nghe. Rồi họ chia phòng ngủ riêng được 4 năm rồi. Cả nhà vẫn ăn cơm chung ngày 1 bữa, song chuyện trò cũng chẳng bao nhiêu.
Tôi cứ nghĩ bố mẹ như vậy đến cuối đời cũng được bởi họ đều ngoài 50 cả rồi. Cơ bản thì cuộc sống gia đình vẫn êm đềm như thế, họ ngủ riêng cũng chả ảnh hưởng gì. Nhưng tới hôm nay thì mối quan hệ vợ chồng của họ có nguy cơ tan vỡ. Mà lý do chỉ tại mớ rau cần.
Đầu đuôi là họ hàng ở quê mới gửi cho nhà tôi ít hải sản. Trưa nay mẹ tôi định xào mực nên bảo chồng ra chợ mua ít tỏi với cần tây. Sợ chồng nghe gà hóa vịt như mọi lần nên mẹ viết lại các đồ cần mua gửi vào tin nhắn điện thoại cho bố, quên thì ông có thể mở máy ra xem. Tôi đi làm nên không được ăn bữa mực ngon lành ấy. Song nãy vừa về đến cửa nhà thì mẹ đã thông báo sẽ nộp đơn ly hôn.
Tôi hốt hoảng hỏi nguyên nhân vì sao, mẹ chẳng nói gì mà đi luôn lên phòng. Bố tôi thở dài, kể rằng lúc trưa mẹ dặn mua cần tây nhưng ông mua nhầm rau cần ta, thế là mẹ nổi cáu. Bà bỏ dở bữa cơm không nấu nữa, sau đó xuống nói với bố rằng bà muốn ly hôn.
Bà kêu không thể tiếp tục chịu đựng một ông chồng vô tâm như thế. Tất cả lỗi của bố gây ra đều là chuyện nhỏ nhặt thôi, nhưng hơn 20 năm qua nó đã tích tụ thành sự chán nản khổng lồ. Ngày xưa mẹ có thể tha thứ được cho bố, song mọi thứ cứ lặp đi lặp lại, bố cứ liên tục hành xử hời hợt cẩu thả khiến bà mệt mỏi vô cùng.
Quả thực hôn nhân không phải chỉ là 2 từ ghép lại. Nó phức tạp hơn tôi nghĩ rất nhiều, và bản thân tôi chưa kết hôn nên cũng chẳng dám phán xét gì về chuyện của bố mẹ. Cơ mà tôi đã trưởng thành rồi, lần này mẹ đòi ly hôn tôi cũng chẳng biết can ngăn như thế nào nữa. Bao lần họ cãi nhau nhưng suốt hơn 20 năm qua chưa từng nhắc đến chuyện ly dị. Có vẻ đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng mẹ quyết định như thế.
Tôi hỏi bố có thể sống nếu thiếu mẹ hay không. Ông im lặng chẳng đáp, chỉ mân mê cái nhẫn cưới đã méo mó ở trên tay.
YêuHàng xóm cướp chồng tôi, giờ lại nhăm nhe bạn trai mới của tôi Theo Phụ nữ Việt Nam
Tags:ly hôn
hôn nhân
Tin cùng chuyên mục