20/10/2022 06:11

Nam sinh đi 60 km trong đêm hiến máu hiếm cho em bé ung thư

Sau bữa tối 10/10, Nguyễn Hồng Quân, sinh viên năm cuối ngành Điện Công nghiệp, Trung tâm Việt Nhật, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, đọc được tin nhắn có người đang cần gấp một đơn vị tiểu cầu máu trong nhóm O Rh(D) âm trong Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc. Chưa thấy ai đăng ký, Quân lập tức nhận nhiệm vụ, phóng xe từ nhà ở thôn Yên Phú, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cách đó khoảng 30 km.

Đến viện lúc gần 21h, Quân lấy máu xét nghiệm và làm các thủ tục kiểm tra. Hiến xong, nam sinh trở về nhà khi đã gần sang ngày mới. "Bố mẹ vẫn còn thức đợi em. Em đi nghỉ để hôm sau thi cuối kỳ môn thực hành đo lường cảm biến", Quân kể.

Quân hiến tiểu cầu nhóm hiếm tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tối 10/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai hôm sau thấy website của bệnh viện đăng tin, Quân mới biết mình hiến tiểu cầu cho một em bé 5 tuổi. "Em rất vui. Trước đó, em chỉ biết có người cần tiểu cầu. Em sợ đến muộn, bệnh viện hết giờ làm việc và em không đủ điều kiện hiến", Quân nói, cho biết từng hai lần hiến máu.

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi hệ nhóm máu có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất. Những người có nhóm máu Rh(D) âm như Quân ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số và được xếp vào nhóm máu hiếm.

Anh Nguyễn Lương Hiếu, phó trưởng nhóm O Rh(D) âm, Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc, cho hay hôm đó, bệnh viện cần huy động tiểu cầu máu, một tình nguyện viên đã hẹn 18h30 qua nhưng bận đột xuất không đi được. Anh nhắn tin lên nhóm và Quân đã đồng ý lên đường. Quân tham gia câu lạc bộ từ tháng 7 và đây là lần đầu tiên hiến tiểu cầu.

Em bé tiếp nhận tiểu cầu của Quân đang điều trị ung thư máu, vài tuần lại phải nhập viện để truyền máu và tiểu cầu. Vì thuộc nhóm máu hiếm nên lần nào bé cũng phải chờ máu, chờ tiểu cầu vài ngày và chỉ được 1 đơn vị, giúp cầm máu. Theo anh Hiếu, mẹ bệnh nhân sau đó đã xin tham gia nhóm để liên hệ khi cần hỗ trợ. Nhiều lượt thành viên trong nhóm đã nhiều lần hiến tiểu cầu cho bệnh nhi này.

"Hành động của Quân xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh để lan toả thông điệp hiến máu tình nguyện đến với mọi người. Chúng ta nên cảm thấy vinh dự và hãnh diện với những hành động nhỏ bé, bình thường đó", anh Hiếu chia sẻ.

Nam sinh năm cuối ngành Điện Công nghiệp trong lần đầu tiên hiến tiểu cầu tối 10/10 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Biết tin sinh viên của mình phóng xe trong đêm đi hiến máu cứu người dù có lịch thi cuối kỳ, cô Phạm Thị Sao Chi, chủ nhiệm lớp Điện Công nghiệp 2, cảm thấy tự hào. "Quân là sinh viên có ý thức, thái độ học tập tốt", cô Chi nhận xét.

Quân cho biết bình thường ở trọ cạnh trường nhưng đợt này thi nên em về nhà. Biết mình có nhóm máu hiếm, Quân tham gia câu lạc bộ và hiến máu tình nguyện từ năm thứ nhất. Em mong có thể giúp cứu một cuộc đời ở lại, cũng là giúp chính mình khi cần. Nhóm máu của em có thể cho tất cả nhưng chỉ nhận được chính nó.

Để có sức khỏe tốt và sẵn sàng hiến máu, Quân có ý thức trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên. Sau mỗi lần hiến máu, em cảm thấy sức khỏe tốt và tăng cân.

"Em sẽ vẫn tiếp tục hiến máu và nhận nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm", Quân nói.

 

Tags:

tiểu cầu nhóm hiếm

hiến máu

nam sinh

Đại học Công nghiệp

Đời sống học đường

Ngoài nhà trường

Tin

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục