Nguy cơ vi khuẩn ngoài hành tinh thoát ra Trái Đất từ đá sao Hỏa
NASA dự định phóng tàu tới sao Hỏa để mang mẫu vật về Trái Đất trong vài năm tới, gây tranh cãi về rủi ro vi khuẩn lạ xâm nhập.
Robot Perseverance của NASA chụp ảnh selfie cạnh một tảng đá mà nó khoan lấy mẫu. Ảnh: NASA/JPL-Caltech/MSSS
NASA đang lên kế hoạch cho nhiệm vụ đầu tiên nhằm mang đất đá sao Hỏa về Trái Đất. Tuy nhiên, trước khi sự kiện quan trọng này diễn ra, NASA cần tìm cách bảo vệ hành tinh xanh khỏi bất cứ vi khuẩn ngoài hành tinh nào "đính kèm" với mẫu vật, NPR hôm 4/5 đưa tin. Trong tuần này, NASA đang tổ chức các cuộc họp công khai và tiếp nhận phản hồi về kế hoạch đưa tàu vũ trụ chở mẫu vật sao Hỏa đáp xuống khu vực thử nghiệm của Không quân Mỹ ở Utah vào đầu những năm 2030.
"Có thể đây là cuộc đánh giá môi trường quan trọng nhất mà con người từng thực hiện. Tôi nghĩ khả năng có sinh vật sống trên bề mặt sao Hỏa rất thấp. Nhưng vẫn có khả năng", Peter Doran, nhà địa chất tại Đại học bang Louisiana, chuyên gia nghiên cứu sự sống trong các môi trường khắc nghiệt, cho biết.
Việc mang mẫu đá từ sao Hỏa về Trái Đất sẽ giúp giới khoa học thực hiện các cuộc kiểm tra toàn diện trong phòng thí nghiệm, tìm kiếm bằng chứng xem hành tinh lạnh giá, khắc nghiệt này có từng phù hợp cho sự sống, thậm chí tồn tại sinh vật sống hay không.
Doran cho biết, chưa có ai nghĩ xem chính xác cần xử lý mẫu vật sao Hỏa như thế nào với những câu hỏi như làm sao để lưu trữ vi khuẩn tiềm ẩn, hoặc những tính năng cụ thể nào cần thiết cho phòng thí nghiệm an toàn sẽ chứa các tảng đá?
"Cho đến gần đây, chúng tôi không tập trung nhiều vào các chi tiết của cơ sở vật chất phục vụ cho mẫu vật đem về vì không nghĩ rằng nó sắp xảy ra", ông giải thích.
Nhưng hiện tại, công việc dường như đang tiến triển nhanh chóng khi NASA hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và lên kế hoạch phóng tàu thu hồi mẫu vật sớm nhất vào năm 2027 và 2028. Để chuẩn bị trước, Perseverance - robot NASA hạ cánh xuống sao Hỏa năm ngoái - đã khoan sẵn mẫu vật và đựng chúng trong các ống kim loại.
"Hiện chúng tôi có 8 mẫu trên robot", Jim Bell, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Bang Arizona, thành viên nhóm phụ trách Perseverance, cho biết.
Mô phỏng thùng chứa mẫu vật được phóng lên quỹ đạo từ bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA/JPL-Caltech
NASA đang lập kế hoạch thu thập mẫu vật một cách an toàn. Đầu tiên, tàu vũ trụ sẽ đáp xuống sao Hỏa và phóng thùng chứa mẫu đất đá đã thu thập trước đó lên quỹ đạo xung quanh hành tinh đỏ. Khi ở trên quỹ đạo, thùng chứa này lại được cho vào một thùng khác, lưu giữ bất cứ thứ gì từng tiếp xúc với môi trường sao Hỏa bên trong. Sau đó, thùng sẽ được khóa kín và chỗ khóa được khử trùng bằng nhiệt, theo Brian Clement, chuyên gia về bảo vệ hành tinh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA.
"Chúng tôi sẽ dùng nhiệt độ cực cao, vượt quá 480 độ C. Chúng tôi muốn phá vỡ bất kỳ phân tử sinh học nào có thể gây ra hoạt động đáng lo ngại", Clement nói.
Tuy nhiên, đây là một thách thức về mặt kỹ thuật vì các nhà khoa học cũng muốn giữ cho mẫu đất đá lạnh như khi ở trên sao Hỏa. "Điều này giống như bạn hàn hộp cơm bằng kim loại trong khi cố gắng giữ cho bữa trưa bên trong thơm ngon và mát lạnh", Clement giải thích.
Sau đó, thùng chứa đã khử trùng lại được đặt vào một thùng chứa khác, đóng kín rồi đưa vào tàu trở về Trái Đất. Con tàu này cuối cùng sẽ hạ cánh xuống sa mạc Utah mà không cần dù.
"Chúng tôi muốn so sánh nó với một quả bóng nhanh 145 km/h, nơi hạ cánh chính là găng tay. Việc hạ cánh với vận tốc 145 km/h, giống như với một quả bóng chày, hoàn toàn nằm trong khả năng của hệ thống hạ cánh trên Trái Đất", Clement bổ sung.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thấy kế hoạch này vẫn đáng lo ngại. "Chúng ta sẽ mang mẫu vật về sa mạc Utah, giống như nhiệm vụ lấy mẫu gió Mặt Trời của tàu Genesis. Con tàu đã đâm xuống Utah và vỡ tung", Barry DiGregorio, chuyên gia tại tổ chức International Committee Against Mars Sample Return, nói. Ông bày tỏ lo ngại về việc các sinh vật gây bệnh từ hành tinh khác đến Trái Đất.
Nhiều nhóm chuyên gia đã cân nhắc về rủi ro khi mang mẫu vật sao Hỏa về Trái Đất trong những năm qua và đều đồng ý rằng nguy cơ tiềm ẩn cực kỳ thấp, theo Clement. Dù vậy, NASA vẫn rất thận trọng. "Bất cứ thứ gì tiếp xúc trực tiếp với môi trường sao Hỏa sẽ được cất kín hoặc khử trùng trước khi đưa về Trái Đất", ông khẳng định.
Bell không lo lắng về khả năng mầm bệnh sao Hỏa lẫn trong đá có thể thoát ra môi trường và gây rắc rối hoặc làm lây lan bệnh. Ông cho biết, bất kỳ sinh vật sống nào trên sao Hỏa cũng không phù hợp để tồn tại trên Trái Đất vì chúng đã tiến hóa trong một sinh quyển riêng biệt. "Chúng ta đang nói về một hệ sinh thái hoàn toàn khác, một sinh quyển hoàn toàn khác. Và tất nhiên, chúng ta cũng chưa biết liệu trên sao Hỏa có tồn tại sinh quyển hay không", ông nói.
Với Bell, rủi ro chính khi thùng chứa vỡ hoặc rò rỉ là khiến các mẫu vật sao Hỏa quý giá bị ô nhiễm bởi vật chất trên Trái Đất. Đó là lý do tại sao mẫu vật cần được mở trong các cơ sở công nghệ cao với khả năng mô phỏng môi trường và khí quyển sao Hỏa.
Dù bề mặt sao Hỏa hiện nay rất khô, lạnh và phải chịu bức xạ cực tím gay gắt, vẫn có khả năng vi khuẩn tồn tại trong các hốc và lỗ được che chắn, hoặc dưới lớp đất bụi, theo Doran. "Khả năng không phải bằng 0, dù rất khó xảy ra. Chúng tôi chắc chắn phải thực hiện việc bảo vệ Trái Đất, ít nhất là trong những nhiệm vụ đầu tiên, cho đến khi biết có gì ở đó", Doran nói.
Kể cả khi còn nhiều vấn đề cần giải quyết, viễn cảnh mang đất đá từ sao Hỏa về Trái Đất vẫn khiến những nhà khoa học như Bell phấn khích. "Tôi muốn tận mắt quan sát những thứ đó. Chúng tôi đã ngắm nhìn thế giới này qua con mắt của robot quá lâu. Tôi muốn thấy thứ bụi đỏ nổi tiếng, muốn thấy phần bên trong các tảng đá và hạt nhỏ - những vật thể có khả năng hình thành trong môi trường ẩm ướt cách đây 3 hoặc 4 tỷ năm", ông chia sẻ.
Tags:sao Hỏa
vi khuẩn
khí quyển
Nghiên cứu
Vũ trụ
Tin
Tin cùng chuyên mục