Trở thành sếp của đồng nghiệp
Khi một nhân sự được bổ nhiệm vào vị trí quản lý, chắc chắn họ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn và đánh giá cấp dưới một cách công bằng, bất kể có phải bạn bè thân thiết hay không.
Điều này thực sự là một thách thức lớn cho những người quản lý mới. Họ sẽ phải học cách chuyển từ vai trò một người bạn trong công việc sang vị trí của một người sếp.
Theo một khảo sát năm 2020 của các giáo sư đại học ở Anh và Australia, hơn 90% những người lần đầu làm quản lý tại 17 quốc gia khác nhau gặp khó khăn với việc đặt ranh giới giữa việc làm sếp và làm bạn. Thậm chí, hơn 70% cho biết họ đã đánh mất tình bạn kể từ khi lên vị trí quản lý.
Vậy làm cách nào để bạn có thể quản lý tốt những đồng nghiệp là bạn bè của mình? Harvard Business Review đề xuất 5 ứng xử cần thiết để bạn tìm thấy sự cân bằng trong việc vừa là sếp, vừa là bạn.
Thừa nhận sự chuyển đổi cấp bậc
Những cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn giúp duy trì mối quan hệ lâu dài tại công sở. Bạn và đồng nghiệp cần học cách nói chuyện với nhau khi tình bạn này thay đổi theo thời gian.
Nhiều người cảm thấy căng thẳng với đồng nghiệp sau khi thăng chức. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.
Tuy nhiên, hơn 80% những người lần đầu làm quản lý được khảo sát cho biết, họ không đề cập đủ nhiều về vấn đề thăng chức và sự thay đổi về cấp bậc với những người bạn đồng nghiệp, và họ cảm thấy hối tiếc về điều đó.
Nhiều người còn cho rằng không cần thiết phải thừa nhận những thay đổi này. Bất kỳ sự khó xử nào tồn tại giữa họ và bạn bè ở công sở rồi sẽ dần biến mất theo thời gian. Trên thực tế, tình bạn của họ đã phải chịu nhiều ảnh hưởng.
Vì vậy, bạn cần phải đối mặt và thừa nhận rằng mối quan hệ bạn bè giờ đây đã thay đổi. Bạn và đồng nghiệp nên dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe những suy nghĩ, cảm nhận của nhau. Đừng để có bất kỳ sự ngại ngùng, lúng túng nào giữa hai người về sau.
Đồng thời bạn cũng nên bày tỏ sự thấu hiểu khi đứng trên phương diện của người bạn đồng nghiệp giờ đây là cấp dưới. Điều này chứng tỏ bạn coi trọng tình bạn và muốn duy trì mối quan hệ này.
Nhận thức rõ ràng về vai trò mới
Với tư cách là một người quản lý mới, bạn nên hành động phù hợp với trách nhiệm mới của mình.
Theo khảo sát, nhiều nhà quản lý mới nhận thấy việc này khó thực hiện và thường rơi vào “chế độ bạn bè” với các đồng nghiệp thân thiết. Nhiều người thậm chí còn nói chuyện phiếm một cách bất cẩn về những thách thức trong vai trò mới hoặc chia sẻ những thông tin bí mật.
Tuy nhiên, bạn cần thận trọng và không nên thường xuyên tán gẫu thoải mái như khi còn là nhân viên cấp dưới, đặc biệt là về chuyện của những thành viên khác trong nhóm.
Với tư cách là nhà quản lý, nhiệm vụ của bạn là khắc phục xích mích và tìm ra giải pháp để gắn kết các thành viên. Bạn sẽ không muốn đánh mất uy tín và lòng tin từ mọi người chỉ vì sự thiếu chuyên nghiệp khi ở vị trí lãnh đạo.
Nếu bạn cần trút bầu tâm sự, bạn có thể tìm đến một người đồng cấp đáng tin cậy hoặc người cố vấn để chia sẻ. Không nên than vãn chuyện công ty ở nơi công cộng hay trên mạng xã hội.
Bạn cũng có thể tìm đến một người cố vấn nghề nghiệp hoặc bạn bè không có quan hệ gì với công ty và mạng lưới công việc của bạn.
Hãy nhất quán và công bằng
Khi đã làm sếp, bạn cần phải tôn trọng và đối xử bình đẳng, nhất quán với tất cả các thành viên dưới quyền quản lý.
Bạn không nên, hoặc không được thể hiện ra sự yêu thích hay ghét bỏ cụ thể với bất kỳ ai. Nếu bị ai đó phát hiện ra hành vi thiên vị bạn bè của bạn, họ có thể sẽ trở nên khó chịu, thậm chí có thể có những hành vi độc hại sau đó.
Không để cảm xúc chi phối những quyết định quan trọng
Là bạn bè với nhân viên cấp dưới, điều đó không có nghĩa là bạn được quyền bao che những sai sót của họ.
Bạn không nên thiên vị dù cho là đồng nghiệp thân thiết. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.
Bạn cũng không được để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng khi cần đưa ra những quyết định liên quan đến họ, từ việc tăng lương, phân công công việc hay thậm chí là sa thải.
Theo các chuyên gia, sa thải nhân viên có lẽ là một trong những quyết định khó khăn nhất mà bạn phải đối mặt khi ở vị trí người lãnh đạo. Bạn nên học cách chấp nhận đây là một phần không thể tránh khỏi trong công việc. Bạn không thể giữ ai đó lại chỉ vì họ là bạn thân của bạn.
Một cách để đối xử công bằng với mọi người là đưa ra các hệ thống đánh giá công việc chung áp dụng cho tất cả thành viên. Như vậy bạn sẽ đánh giá được chất lượng công việc của mọi người dựa trên dữ liệu khách quan chứ không phải ý kiến cá nhân.
Quản lý những gì bạn chia sẻ trên mạng xã hội
Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên hạn chế việc kết bạn hoặc theo dõi đồng nghiệp trên các mạng xã hội. Những đồng nghiệp là bạn bè có thể vô tình hay cố ý tỏ ra thân thiết quá đà. Điều này có thể khiến các thành viên khác trong nhóm bạn quản lý cảm thấy ganh tị và khó chịu.
Vì vậy, một số người chọn hủy kết bạn với những đồng nghiệp thân thiết khi thăng chức để tạo ranh giới. Những người khác thì chọn kiểm soát chặt chẽ hơn các cài đặt riêng tư để duy trì những kết nối cá nhân tách biệt khỏi mạng lưới công việc của họ.
Dù cho bạn áp dụng chiến lược nào, khi đã ở ngoài văn phòng, không nên chia sẻ bất kỳ vấn đề công việc nào với đồng nghiệp, dù cho có thân thiết đến đâu. Như vậy bạn mới giữ uy tín và giá trị lời nói trong công việc.
Tags:đồng nghiệp
đồng nghiệp thân thiết
thăng chức
quan hệ với đồng nghiệp
Tin cùng chuyên mục